Chở Phế Thải Xây Dựng, Phá Dỡ Công Trình giá rẻ nhất Hà Nội

Trang chủ /

Tư vấn

PHÁ DỠ NHÀ CÓ CẦN XIN PHÉP?

Luật xây dựng qui định chủ đầu tư có nghĩa vụ đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường khi phá dỡ nhà cũ để xây mới. Khi hướng dẫn, Bộ Xây dựng lại có thông tư qui định... lửng lơ "nếu có ảnh hưởng" thì cần xác nhận của hàng xóm.

 

Phá dỡ nhà có cần xin phép

 

 

Đến chỉ thị 09 của UBND TP.HCM thì mọi trường hợp tháo dỡ công trình đều phải được chủ hộ liền kề xác nhận... Và điều phiền toái đã xảy ra.

 

Khóc dở, mếu dở vì chữ ký của hàng xóm

Từ khi UBND TP ban hành chỉ thị trên, đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp. Chị T. có căn nhà nằm giữa hai hộ khác và cùng sử dụng chung hai bức tường. Gần đây chị T. có nhu cầu xây dựng lại nhà. Nếu đập hai bức tường chung sẽ ảnh hưởng đến hai hộ kế bên nên chị T. tự nguyện nhường bức tường này cho hai hộ sử dụng.

Đổi lại, hai hộ này phải xác nhận vào biên bản thỏa thuận để chị phá dỡ nhà. Nhưng một hộ đồng ý, hộ còn lại không chịu, lấy lý do nhà gắn với cột, nếu đập cột cũng ảnh hưởng đến bức tường. Không những vậy, hộ này còn vận động hộ còn lại để làm áp lực với gia đình chị T.. Cuối cùng, chị T. phải buông luôn hai cột cho hai hộ liền kề để đổi lấy "cái thỏa thuận". Nhiều trường hợp khác cũng rơi vào tình huống tương tự.

Luật sư Lê Mạnh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng chủ trương chung là thủ tục phải ngày càng đơn giản, theo hướng có lợi cho dân. Nhưng qui định trên sẽ làm sự việc thêm rối rắm trong khi thủ tục cấp phép xây dựng ở một số nơi đã khó khăn. Chỉ cần một chuyện xích mích nhỏ giữa hai bên trước đây, nay thỏa thuận là cơ hội cho bên kia làm khó lại. Gọi là thỏa thuận thì không thể bắt buộc và mỗi người có thể đưa ra một hoặc nhiều điều kiện khác nhau. Chưa kể qui định là kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng chuyện hòa giải giữa hai hộ để nhũng nhiễu, làm tiền.

Ông Trần Đức Thanh, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thanh Huy, bức xúc: thủ tục nhà đất hiện nay khiến nhiều người rất ngán ngẩm. Nay theo chỉ thị 09 sẽ còn phải thêm một bước nữa là thuê người lập phương án, đo vẽ hiện trạng của cả nhà hàng xóm và xin chữ ký của nhà hàng xóm quả là khó khăn và tốn kém. Có được giấy phép rồi nhưng không xin được chữ ký của hàng xóm để đập nhà ra xây mới thì "cầm được giấy phép cũng như không".

Nhiều người dân khi "nắm" được chỉ thị của UBND TP cũng đã thẳng thừng cho chúng tôi biết sẽ không dám ký xác nhận cho hộ bên cạnh phá dỡ, xây nhà vì sợ nếu lỡ ký rồi mà sau này trong quá trình thi công nhà của họ có bị ảnh hưởng gì cũng khó đòi bồi thường.

 

Mập mờ, khó hiểu

Sở Xây dựng TP (đơn vị tham mưu cho UBND TP trong việc ban hành chỉ thị trên) cho biết chỉ thị 09 của TP căn cứ vào thông tư 12 của Bộ Xây dựng. Thông tư 12 qui định rất chung chung: "Khi có hộ liền kề hoặc không có hộ liền kề nhưng việc phá dỡ có thể ảnh hưởng đến công trình lân cận, thì giải pháp phá dỡ phải có sự thỏa thuận của chủ hộ liền kề và chủ các công trình lân cận".

Theo luật sư Lê Đình Phạt, trưởng Văn phòng luật sư Lê Đình: đáng lẽ khi hướng dẫn về việc phá dỡ công trình, thông tư phải qui định chi tiết công trình nào thì việc tháo dỡ cần phải lập phương án và có sự thỏa thuận của chủ công trình liền kề. đằng này lại qui định một tình huống lửng lơ: nếu "có thể ảnh hưởng" thì phải có sự thỏa thuận của hộ liền kề.

Như thế nào gọi là "có thể ảnh hưởng"? Hai nhà có chung vách tường thì việc tháo dỡ nhà này có thể ảnh hưởng đến nhà kia, nhưng nếu không chung vách thì có ảnh hưởng gì hay không? Công trình nào khi tháo dỡ cũng có thể gây tiếng ồn, bụi bặm đối với các hộ xung quanh nhưng như thế có bị gọi là "ảnh hưởng" như qui định của thông tư 12 hay không?...

Theo một số chuyên gia về xây dựng, nếu đọc toàn bộ nội dung hướng dẫn của thông tư 12, có thể hiểu việc lập và phê duyệt phương án phá dỡ, thỏa thuận của hộ liền kề chỉ áp dụng với các công trình xây dựng có qui mô diện tích lớn. Nhưng theo tinh thần chỉ thị 09 của UBND TP thì lại bắt buộc cho mọi trường hợp phá dỡ nhà cũ để xây dựng mới.

Luật sư Phạt nói: chính từ qui định chưa rõ ràng của thông tư 12 đã dẫn đến việc muốn hiểu thế nào cũng được và có thể dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất giữa các địa phương. Khi ban hành chỉ thị triển khai nội dung này, UBND TP.HCM lại tự đưa ra những điều kiện bất hợp lý, đi ngược lại với tinh thần qui định của Luật xây dựng. Thực hiện chỉ thị 09 của UBND TP có thể làm phát sinh thêm các thủ tục rối rắm cho chủ đầu tư trong quá trình xin phép và xây dựng công trình, có thể gây thiệt hại rất lớn cho công sức và tiền bạc của người dân, và giao thêm nhiệm vụ giải quyết công việc cho cấp phường xã vốn đang quá tải. UBND phường sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết khiếu nại của chủ đầu tư?

Theo luật sư, Luật xây dựng đã qui định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo an toàn khi xây dựng, tháo dỡ công trình cũng như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đã gây ra. Nếu trong quá trình thi công phá dỡ công trình có ảnh hưởng đến các hộ liền kề, thì các hộ có thể đưa nhau đến tòa án để yêu cầu bên có lỗi phải bồi thường.

Theo ông Trần Chủng, cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), có thể do chưa nắm hết ý của thông tư nên TP qui định quá cụ thể trong khâu lập phương án, thỏa thuận, dẫn đến sự hiểu nhầm. Ông Trần Chủng cho biết đã trao đổi với Sở Xây dựng TP về nội dung qui định tại chỉ thị 09 và sở sẽ kiến nghị UBND điều chỉnh qui định trên. Về phía bộ cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo nghị định về lập lại trật tự trong xây dựng, trong đó sẽ đề cập cụ thể về vấn đề này.

Sau khi báo chí đăng tải các bài đặt vấn đề bất hợp lý trong chỉ thị 09, UBND TP cũng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phải xem xét và sửa đổi nếu nội dung chỉ thị không phù hợp với tinh thần của thông tư 12. Nhưng TP sẽ chỉnh sửa như thế nào khi vẫn phải căn cứ trên nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng và rất khó hiểu của thông tư 12?